Nghề Dựng Phim Là Gì ?
Không ít bạn đã từng cảm thấy bị cuốn hút với nghề Dựng Phim (Film Editor / Video Editor), nhưng chính xác thì nghề dựng phim là gì ?
Nhìn lại lịch sử – “hồi xưa” dựng phim như thế nào?
Phim vào thuở ban đầu chỉ là những đoạn phim ngắn, được camera ghi hình lại chỉ 1 cảnh quay duy nhất kéo dài đến hết đoạn phim (thường chỉ khoảng từ vài chục giây đến vài phút), không có sự dàn dựng, không có những cú máy (chuyển động của camera) phức tạp, chưa có sự can thiệp chỉnh sửa (editing), không có kỹ xảo (tất nhiên rồi), không có âm thanh (âm nhạc mà bạn nghe thấy khi xem phim của thời kỳ này là do lúc chiếu phim sẽ có nhạc công đánh live ngay tại chỗ).
Do đó phim vào thời này thường là những đoạn ghi hình lại các hoạt động bình thường trong cuộc sống, và nội dung phim KHÔNG TẠO THÀNH MỘT CÂU CHUYỆN HOÀN CHỈNH như ngày nay.
Những “mẩu phim vụn vặt” bên dưới do anh em nhà Lumiere ghi hình năm 1895 là một ví dụ:
Tiến bộ hơn, người ta đã nghĩ đến việc ghép những đoạn phim lại với nhau để tạo sự nối tiếp liên tục về diễn biến và hành động, nhằm tăng sự phong phú cho nội dung của đoạn phim. Tiên phong thực hiện điều này chính là Robert William Paul vào năm 1898, với phim “Come along, do!”. Đây cũng là phim đầu tiên có 2 cảnh quay khác nhau.
Cảnh thứ nhất là cặp vợ chồng già ngồi ăn trưa ở chiếc ghế chờ bên ngoài của bảo tàng triển lãm nghệ thuật, sau đó đứng dậy và bước vào cánh cửa của bảo tàng. Cảnh thứ 2 cho thấy những gì diễn ra tiếp theo bên trong, khi ông lão đang dán mắt chăm chú vào bức tượng một cô gái khỏa thân thì bị bà vợ phát hiện và vội vàng túm áo lôi đi. Khá là hài hước!
Bây giờ thì bạn đã thấy phim trở nên CÓ NỘI DUNG hơn rồi phải không nào? Và đây cũng là điểm khởi đầu cho một trong những phát kiến vĩ đại nhất của lịch sử Điện Ảnh, đó chính là việc Dựng Phim.
Việc phát hiện ra hiệu quả của dựng phim đã giúp cho những nhà làm phim thời đó như “cá gặp nước”, có thể tha hồ phát huy trí tưởng tượng không giới hạn của mình.
Một trong những người nổi bật nhất là Georges Melies, ông đã cố gắng ứng dụng tối đa kỹ thuật dựng phim và nhen nhóm lên thuở sơ khai của “kỹ xảo điện ảnh”.
Đối với những người sống ở thời kỳ đó khi xem phim của ông thì cảm giác như xem những phép thuật thật sự hiện ra trên màn ảnh. Và càng ngày thì con người đã bắt đầu gửi gắm ước mơ của mình vào những bộ phim (Ước mơ thám hiểm mặt trăng, trong phim “A trip to the moon” của Georges Melies – năm 1902).
Tua nhanh thời gian một chút, mời bạn đến năm 1925 và xem trích đoạn trong bộ phim câm kinh điển “Battleship Potemkin” (Chiến hạm Potemkin) của đạo diễn Sergei Eisenstein để thấy được dấu ấn ngày càng đậm nét rằng việc Dựng Phim mang lại hiệu quả to lớn như thế nào.
Trong trích đoạn, người dân thị trấn vui mừng tập trung tại bến cảng để tiếp tế lương thực cho thủy thủ đoàn trên chiến hạm, quân đội phe đối nghịch phát hiện đã ra tay đàn áp dã man và giết sạch dân thường vô tội có mặt lúc đó.
Với kỹ thuật Dựng Phim khéo léo, Eisenstein đã mang lại cảm xúc rất mạnh cho người xem bằng cách đan xen những cảnh bạo lực đẫm máu, những đôi giày bốt diễu hành thật lạnh lùng tàn bạo, những họng súng đen ngòm nã đạn không thương tiếc, những người dân yếu ớt không có khả năng chống trả phải gào thét van xin thảm thiết, và đẩy sự bàng hoàng lên đến tột cùng khi chứng kiến cái chết của người mẹ trẻ để rồi buông tay khiến đứa bé sơ sinh nằm chới với trong chiếc xe nôi lao nhanh xuống những bậc thang la liệt xác người…
Một vài ví dụ trên hy vọng phần nào giúp bạn mường tượng ra được thế giới của những người Dựng Phim ngày đó, khi chỉ bằng những thao tác nghe có vẻ “thô sơ” là dùng kéo cắt những đoạn phim ra và nối lại với nhau bằng keo và băng dính, để tạo thành cuộn phim hoàn chỉnh. Nhưng sự thật là việc này không hề dễ dàng chút nào, người dựng phim đã phải “căng mắt” xem xét kỹ lưỡng những dải phim mà tổng độ dài lên đến hàng ki-lô-mét, cắt ghép với nhau một cách mạch lạc và truyền tải được hoàn chỉnh câu chuyện muốn kể qua bộ phim, đó là cả một quá trình gian khổ.
Việc lưu trữ và bảo quản các bộ phim cũng là thách thức, vì phim nhựa là loại vật liệu nhạy cảm với ánh sáng, độ ẩm và dễ bị trầy xước, nên cứ sau mỗi lần sử dụng thì chất lượng của bề mặt bản phim sẽ giảm đi nhiều. Đó là lý do mà khi bạn xem lại các bộ phim xưa sẽ thấy xuất hiện nhiều hạt li ti và các vệt vô định hình cứ “nhảy lăn tăn” trên màn ảnh, phim càng cũ thì càng bị nhiều, đó chính là các vết xước hoặc bị ố vàng trên bề mặt bản phim.
Ngày nảy ngày nay – người Dựng Phim “sung sướng” ra sao?
Trong phạm vi bài viết khó có thể kể hết được quá trình phát triển của việc Dựng Phim, nên bỏ qua một vài cột mốc lịch sử, mời các bạn bay vèo đến thời điểm hiện tại luôn. Ở kỷ nguyên số hóa như hiện nay, có thể nói người Dựng Phim đang có trong tay những công cụ màu nhiệm mà nếu ở thời kỳ còn phải dựng phim bằng…cây kéo thì có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng ra nổi. Đó chính là những phần mềm dựng phim kỹ thuật số, cùng các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ, giúp việc Dựng Phim diễn ra nhanh chóng và “sung sướng” hơn rất nhiều.
Có thể dễ dàng điểm danh 1 số phần mềm dựng phim chuyên nghiệp như Adobe Premiere , Final Cut Pro , Avid Media Composer , Sony Vegas , Edius…. được sử dụng để tạo ra những siêu phẩm bom tấn điện ảnh ngày nay. Mỗi phần mềm có những ưu khuyết điểm riêng đáp ứng các yêu cầu công việc khác nhau. Tuy nhiên theo đánh giá của các Video Editor hàng đầu và trên các diễn đàn điện ảnh uy tín quốc tế, thì Adobe Premiere được ưu ái chấm điểm cao nhất, vì gần như đã đạt đến độ toàn diện mà các phần mềm còn lại khó bề sánh kịp.
Adobe Premiere cũng chính là “đứa con cưng” đang được tập trung phát triển toàn lực bởi tập đoàn Adobe, với mục tiêu thống trị thị trường phần mềm dựng phim chuyên nghiệp. Tại Việt Nam, Adobe Premiere cũng chiếm ưu thế tại hầu hết các hãng phim, công ty truyền hình, truyền thông và quảng cáo.
Một trong những tác phẩm điện ảnh đình đám Hollywood – bộ phim “Gone Girl” của đạo diễn David Fincher được thực hiện khâu Dựng Phim bằng phần mềm Adobe Premiere :
Hy vọng bạn đã có một cái nhìn khái quát về “thời tiền sử và hiện đại” của việc Dựng Phim. Vậy cụ thể hơn thì thao tác làm nghề của một người Dựng Phim như thế nào? Cần phải có những kỹ năng gì? Và làm sao trở thành một người Dựng Phim thực thụ? Mời bạn xem tiếp nhé.
Hỡi người Dựng Phim, anh là ai?
Người dựng phim sẽ loại bỏ đi những cảnh quay, những hình ảnh không cần thiết và xâu chuỗi những đoạn phim lại với nhau MỘT CÁCH CÓ Ý ĐỒ (ý đồ trong sáng chứ không phải đen tối đâu nhé) để tạo nên một bộ phim hoàn chỉnh về “hình thức và nội dung” (cách thức phù hợp nhất để bộ phim truyền tải được trọn vẹn thông điệp của nó).
Anh ấy cũng sẽ cùng làm việc với quay phim và người biên tập âm thanh để kết hợp hai thành phần hình ảnh và âm thanh lại với nhau thật hài hòa.
Tuy công việc Dựng Phim trông có vẻ mang nặng tính kỹ thuật, với đầy những thiết bị và phần mềm xung quanh, nhưng thật ra Người Dựng Phim chính là một nghệ sĩ, có khả năng thấu hiểu tầm nhìn của đạo diễn và kể lại câu chuyện một cách hấp dẫn nhất qua bộ phim mà mình đảm nhận khâu hoàn thiện cuối cùng.
Sẵn đây cũng xin nhắc bạn nhớ lại một tin đáng tự hào: tại giải Oscar 2015, lần đầu tiên một người Mỹ gốc Việt được vinh danh là Nhà Dựng Phim Xuất Sắc Nhất, đó là anh Minh Tâm (tên tiếng Anh là Tom Cross).
Thật ngạc nhiên khi tác phẩm đưa anh đến giải thưởng cao quý này lại là bộ phim độc lập có kinh phí thấp “Whiplash”, giúp anh xuất sắc vượt qua cả 2 ứng viên nặng ký khác là Douglas Crise và Stephen Mirrione, những người Dựng Phim cho “Birdman” – bộ phim đã đoạt giải Oscar 2015 hạng mục phim hay nhất.
Học thêm nhiều kỹ thuật chỉnh sửa video miễn phí tại đây nhé !
Soạn bởi: Phươngg Thảo
Nguồn: ybox.vn